BẢO VỆ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN CẤP KHOA

Ngày 6/6/2022

Nhằm khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) và vận dụng những kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Đồng thời phát huy năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm và hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên, hằng năm Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM đều khuyến khích sinh viên toàn Trường tham gia đăng ký đề tài NCKH. Đề tài nghiên cứu do sinh viên tự chọn được khuyến khích là các đề tài có tính cấp thiết, tính sáng tạo và tính mới trong chuyên ngành, đóng góp giải pháp cải tiến và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống hoặc những đề tài có thể được phát triển từ các bài tập lớn, tiểu luận các học phần được chọn. Bên cạnh đó, đề tài NCKH sinh viên cũng có thể là một phần trong đề tài NCKH các cấp do một hoặc một số giảng viên, cán bộ nghiên cứu chủ trì hoặc giảng viên hướng dẫn đề nghị sinh viên nghiên cứu theo hướng đề tài của mình. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động được rất nhiều các bạn sinh viên Khoa Xây dựng tham gia, đây là một môi trường năng động giúp các bạn sinh viên Khoa Xây dựng thỏa sức sáng tạo nên những dự án của mình.

Vào ngày 6/6/2022, Khoa Xây dựng đã tổ chức buổi nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Khoa do chính các bạn sinh viên Khoa Xây dựng thực hiện. Đây là những đề tài nghiên cứu được đăng ký thực hiện từ tháng 11/2021. Với sức sáng tạo, tinh thần đồng đội và khả năng ứng biến của các nhóm, các thầy cô không khỏi bất ngờ về các kết quả mà các bạn đạt được sau thời gian dài nghiên cứu. Hội đồng nghiệm thu của Khoa Xây dựng gồm PGS.TS. Vũ Tân Văn, ThS. Lê Văn Thông, ThS. Phan Thế Vinh, TS. Trương Đình Nhật và TS. Phạm Sóng Hồng

Buổi nghiệm thu gồm có các đề tài như sau: “Thiết kế nhà vệ sinh di động cho các lán tạm phục vụ công nhân ở tại các công trình xây dựng” của nhóm sinh viên Phạm Hữu Phước (chủ nhiệm đề tài), Sầm Nhật Huy, Nguyễn Trung Kiên, Đặng Công Toàn và Nguyễn Đặng Bảo Ngọc dưới sự hướng dẫn chính của ThS. Phan Thế Vinh; “Phân tích hiệu quả kháng gió cho nhà cao tầng sử dụng hệ cản TMD” của nhóm sinh viên Nguyễn Đức Minh (chủ nhiệm đề tài), Vũ Đức Chính, Nguyễn Hữu Nhật Quang và Nguyễn Ngọc Phương dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Vũ Tân Văn; “Ứng dụng công nghệ BIM cho việc tự động hóa thiết kế kết cấu thép (TCVN 5575-2012)” của nhóm sinh viên Lê Tiến Hoàng Long (chủ nhiệm đề tài), Huỳnh Thanh Tùng, Võ Ngọc Khôi và Nguyễn Quang Huy dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Vũ Tân Văn và ThS. Võ Duy Quang; “Khảo sát các yếu tố tác động đến vấn đề trượt lở đất có ảnh hưởng đến công trình xây dựng trên sườn dốc và dưới chân dốc” của nhóm sinh viên Nguyễn Minh Hiếu (chủ nhiệm đề tài), Đào Tấn Đông và Hà Nam Giang dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Trương Quang Thành; “Đánh giá một số công thức tính toán sức chịu tải cực hạn của cọc đơn ly tâm ứng suất trước trong điều kiện địa chất tiêu biểu tại Khu Nam Sài Gòn” của nhóm sinh viên Phạm Lê Chiêu Sinh (chủ nhiệm đề tài), Nguyễn Ngọc Phương, Trần Tiến Hiệp và Lê Công Thái dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Trương Quang Thành; “Nghiên cứu và ứng dụng giải pháp kết cấu bê tông cốt thép đúc sẵn cấu kiện nhỏ cho nhà ở dân dụng nông thôn” của nhóm sinh viên Nguyễn Văn Đường (chủ nhiệm đề tài), Huỳnh Anh Tuấn, Đỗ Đức Duy và Trịnh Văn Cường dưới sự hướng dẫn của ThS. Phan Thế Vinh; “Biến rác thải carton thành vật liệu xây không nung” của nhóm sinh viên Nguyễn Lê Phúc Phượng Hoàng (chủ nhiệm đề tài), Lê Công Chí Hữu, Phạm Vũ Luân và Nguyễn Tường Vũ dưới sự hướng dẫn của ThS. Phan Thế Vinh; “Thiết kế nhà tránh lũ nổi tự động và tiện ích phục vụ cho người dân miền Trung” của nhóm sinh viên Nguyễn Minh Hiếu (chủ nhiệm đề tài), Đào Tấn Đông, Trần Thanh Hòa và Nguyễn Thị Hoàn Cang dưới sự hướng dẫn của ThS. Phan Thế Vinh và ThS. Phạm Văn Mạnh.

Các đề tài liên quan đến các vấn đề thực tiển cuộc sống và mang lại những lợi ích cấp thiết cho người dân trong thời đại 4.0. Cả 8 đề tài đều được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và có tiềm năng phát triển để đưa vào ứng dụng thực tiễn. Sau khi lắng nghe các bạn sinh viên thuyết trình và trả lời câu hỏi của các thầy cô, hội đồng nghiệm thu đã xếp hạng cho các đề tài như sau: Điểm cao nhất đã thuộc về đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng giải pháp kết cấu bê tông cốt thép đúc sẵn cấu kiện nhỏ cho nhà ở dân dụng nông thôn” của sinh viên Văn Đường, Anh Tuấn, Đức Duy, Văn Cường đến từ lớp XD18A5 và XD18A1; Điểm cao thứ hai thuộc về đề tài “Thiết kế nhà tránh lũ nổi tự động và tiện ích phục vụ cho người dân miền Trung” của nhóm sinh viên Minh Hiếu, Tấn Đông, Thanh Hòa, Hoàn Cang đến từ lớp XD18A5, XD18A2 và KT18A5; Điểm cao đứng thứ ba thuộc về nhóm sinh viên Minh Hiếu, Tấn Đông, Nam Giang đến từ lớp XD18A5 với chủ đề “Khảo sát các yếu tố tác động đến vấn đề trượt lỏ đất có ảnh hưởng đến công trình xây dựng trên sườn dốc và dưới chân dốc”.

Cả 3 đề tài này đều được chọn để gửi xét cấp Trường, hy vọng đây sẽ là những dự án được quý doanh nghiệp quan tâm, đầu tư và phát triển. Thêm vào đó, các công trình NCKH của sinh viên nộp tham gia Giải thưởng NCKH cấp Trường sẽ được hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài và kinh phí in ấn sản phẩm. Những đề tài đạt giải NCKH cấp Trường sẽ được khen thưởng và có cơ hội được trường tuyển chọn gửi dự thi Giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giải thưởng Euréka của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và các giải thưởng khác,... Bên cạnh đó, sinh viên có đề tài tham gia giải sẽ được cộng điểm thưởng vào phiếu rèn luyện, là cơ sở để xét học bổng, xét chuyển tiếp vào bậc cao học và các quyền lợi khác. NCKH là dạng hoạt động đòi hỏi phải có sự đầu tư về thời gian, trí tuệ cũng như tiền bạc. Hoạt động này thường vất vả, có thể gặp phải không ít khó khăn thậm chí là thất bại. Vì vậy hy vọng các em sinh viên tiếp tục giữ vững đam mê, tiếp tục lan tỏa niềm đam mê NCKH đến các bạn sinh viên khác trong lĩnh vực xây dựng.

Hình ảnh nhóm sinh viên lớp XD18A5 đạt điểm cao thứ ba (từ trái sang: Đào Tấn Đông, Hà Nam Giang, Nguyễn Minh Hiếu)

Tổng hợp: Như Thủy

Ảnh: Minh Hiếu