SEMINAR "CÁC NGHIÊN CỨU MỚI NHẤT VỀ ỨNG XỬ VÀ THIẾT KẾ CẤU KIỆN VÀ HỆ KẾT CẤU KHUNG NHÔM CÁN NGUỘI"

                 Báo cáo: PGS.TS. Phạm Cao Hùng (Đại học Sydney, Australia)

                                                                                         Ngày 10/08/2022

Vào sáng ngày 10/08/2022, Khoa Xây dựng đã tổ chức thành công seminar với chủ đề “Các Nghiên Cứu Mới Nhất về Ứng Xử và Thiết Kế Cấu Kiện và Hệ Kết Cấu Khung Nhôm Cán Nguội”, với diễn giả là PGS.TS. Phạm Cao Hùng - Đại Học Sydney, Australia. Buổi seminar có sự hiện diện của PGS.TS.KTS. Lê Văn Thương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cùng các giảng viên và đông đảo sinh viên ngành Kỹ thuật Xây dựng UAH.

Poster giới thiệu seminar

 PGS.TS. Phạm Cao Hùng trình bày trong buổi seminar

Diễn giả Phạm Cao Hùng là Phó giáo sư ngành kết cấu công trình và hiện là Giám đốc phụ trách nghiên cứu sau đại học tại Khoa Kỹ thuật xây dựng, Đại học Sydney - Australia. Ông nhận bằng Tiến sĩ về kết cấu thép cán nguội tại Đại học Sydney vào năm 2010. Các lĩnh vực nghiên cứu chính của PGS. TS. Phạm Cao Hùng là lý thuyết và thực nghiệm về ứng xử kết cấu và thiết kế, với sự quan tâm đặc biệt đến các cấu kiện thép và cả hệ kết cấu, kết cấu thép cán nguội, kết cấu nhôm cán nguội; ổn định và phân tích kết cấu. Ông đã xuất bản hơn 140 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín cũng như trong kỷ yếu hội nghị và là thành viên Ban biên tập của nhiều tạp chí uy tín trong ngành xây dựng như Thin-Walled Structures, Buildings Journal và Journal of Science and Technology in Civil Engineering.

Tại buổi seminar, diễn giả Phạm Cao Hùng đã chia sẻ với giảng viên và sinh viên UAH các nghiên cứu đã và đang thực hiện tại Đại Học Sydney bao gồm nghiên cứu tập trung vào thép cán nguội, thép không rỉ và gần đây nhất là kết cấu nhôm. Nhôm hiện nay đã được sử dụng trong rất nhiều các ứng dụng khác nhau tại Australia và trên thế giới như mái, khung nhà công nghiệp, xà gồ, nhà ven biển, cầu nhịp nhỏ, hệ mặt dựng hay các mái vòm… Về mặt vật liệu, ưu thế lớn nhất của nhôm là khả năng chống ăn mòn cao, trọng lượng nhẹ. Tuy nhiên nhôm lại mềm hơn thép khá nhiều với mô đun đàn hồi của nhôm chỉ bằng 1/3 mô đun đàn hồi của thép. Cũng theo PGS.TS. Phạm Cao Hùng thì về mặt sản xuất, hiện nay phần lớn tiết diện nhôm được sản xuất bằng cách ép đùn khi mà khối nhôm được đẩy qua lỗ khuôn để tạo hình tiết diện. Tại Australia, công ty Bluescope Permalite đã sản xuất tiết diện nhôm hình chữ C và chữ Z bằng phương pháp cán nguội và đây là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Phạm Cao Hùng và GS.TS. Kim Rasmussen (Đại học Sydney) hướng dẫn.

Ngoài ra, PGS.TS. Phạm Cao Hùng cũng có những chia sẻ thú vị về ba đề tài nghiên cứu về nhôm do các nghiên cứu sinh đã và đang thực hiện, bao gồm nghiên cứu về đặc tính vật liệu và khả năng chịu lực của mặt cắt của TS. Lê Huỳnh Anh Thi, nghiên cứu về khả năng chịu lực của cấu kiện nhôm của TS. Phạm Ngọc Hiếu và nghiên cứu về hệ khung nhôm của TS. Nguyễn Hoài Cương. Các bước thí nghiệm kết cấu, phân tích bằng phần tử hữu hạn và quy trình phân tích hiệu chỉnh kết quả thí nghiệm để xây dựng công thức tính toán đưa vào tiêu chuẩn thiết kế đã được PGS.TS. Phạm Cao Hùng đưa ra với hình ảnh minh họa sinh động và cuốn hút.

Một số giảng viên chụp ảnh lưu niệm với PGS.TS. Phạm Cao Hùng

Buổi seminar đã kết thúc trong trong không khí vui tươi ấm áp cùng những bó hoa và kỷ niệm chương của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng PGS.TS. Phạm Cao Hùng. Những trao đổi của PGS.TS. Phạm Cao Hùng đã giúp cho các giảng viên và sinh viên Khoa Xây dựng có cái nhìn tổng quan hơn về các nghiên cứu mới nhất về thép và nhôm trên thế giới.

Tổng hợp & Ảnh: Sóng Hồng